Ngày đăng bài: 06/06/2024 09:09
Lượt xem: 197
Giới thiệu sách "Bản sắc Việt Nam" của tác giả Nguyễn Bá Thành
Đã 10 năm trôi qua kể từ khi công trình Bản sắc Việt Nam qua giao lưu văn học được xuất bản lần đầu. Từ đó đến nay, nó đã trở thành một tải liệu có tính công cụ cho nhiều cơ sở nghiên cứu và giảng dạy về văn hóa và bản sắc văn hóa Việt Nam.

Hội đồng Khoa học và Đào tạo Khoa Văn học đã biểu quyết thông qua để công trình trở thành một chuyên để giảng dạy cho các lớp cao học của Khoa về văn học và văn hóa Việt Nam. Một số cơ sở đào tạo khác như Khoa Quốc tế học (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội), Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) cũng đã đưa chuyên đề này vào chương trình đào tạo cho sinh viên hệ cử nhân và hệ cao học ở một số khóa học.

Trong công cuộc đổi mới toàn diện và hội nhập quốc tế của đất nước hiện nay, vấn đề văn hóa và bản sắc văn hóa dân tộc đang trở thành một vấn để cốt yếu. Nhận biết và khẳng định bản sắc văn hóa Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa, trong giao lưu văn hóa và văn học với thế giới là một vấn đề có ý nghĩa then chốt cho việc bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Bản sắc văn hóa Việt Nam là gì và đã thể hiện qua các cuộc giao lưu văn học, văn hóa với thế giới như thế nào, đó là những vấn đề vô cùng hệ trọng.

Công trình vốn là bản thảo được hình thành trên cơ sở hai đề tài nghiên cứu khoa học mà chúng tôi đã thực hiện trong những năm 1998 - 2005. Một số ý kiến của các chuyên gia với tư cách thẩm định, đánh giá chất lượng khoa học của đề tài trước khi xuất bản, chúng tôi đã trích đăng trong mục Thay lời bạt ở cuối sách. Chẳng hạn PGS.TS. Nguyễn Bích Thu cho rằng: "Tác giả tỏ rõ thế mạnh của mình ở sự nắm bắt lịch sử vấn đề, ở tư liệu, ở sự bóc tách các ý tưởng để làm nổi bật bản sắc văn hóa Việt Nam, soi chiếu trên nhiều chiều cạnh"; PGS. TS. Trần Nho Thìn đánh giá: "Nhìn chung, đây là một công trình khoa học có chất lượng, nếu hoàn chỉnh, bổ sung, có thể xuất bản phục vụ tham khảo rộng rãi, để giúp các cơ quan văn hóa hoạch định chính sách"; PGS. TS. Lý Hoài Thu viết: "Sự am hiểu của tác giả công trình về những vấn đề xã hội, khoa học nhân văn, những vấn đề văn chương và văn hóa là sâu sắc... Công trình này sẽ là một chuyên đề tốt để giảng dạy cho bậc đại học và cao học". Sau khi sách ra đời, nhiều ý kiến, bài viết đã khẳng định tính công phu, nghiêm túc, tính hệ thống và phong phú của công trình. Có rất nhiều độc giả ở ngoài trường, ngoài chuyên môn cũng đã gửi đến cho chúng tôi những lời nhận xét động viên đầy thiện chí. Một số bài viết công phu tìm hiểu sâu về công trình này đã được báo chí đăng tải. Chẳng hạn ý kiến của nhà văn, nhà ngôn ngữ học Hữu Đạt trên báo Văn Nghệ số 47(21/11/2009) đánh giá: “Coi giao lưu văn học như là cơ sở khoa học quan trọng nhất để tiến tới lý giải các hiện tượng văn hóa theo cách nhìn mới đối với các khái niệm vốn rất quen thuộc như "bản sắc dân tộc", "tinh thần quốc gia", “chủ nghĩa yêu nước”, “tính cách Việt Nam”, thì có thể không ngần ngại khẳng định, công trình Bản sắc Việt Nam qua giao lưu văn học cửa PGS. TS. Nguyễn Bá Thành là công trình công phu hơn cả”. Bài viết cửa nhà phê bình trẻ Đoàn Anh Dương trên Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật số 297 (tháng 3/2009) có một ý mà chúng tôi rất tâm đắc: "Đọc chuyên luận, người ta không chỉ thấy văn hóa Việt Nam đã tiếp biến cái gì của văn hóa nước ngoài, mà quan trọng hơn, thấy được cái cách tiếp biến ấy".

Khoa Văn học của Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội cũng đã mở một cuộc tọa đàm trao đổi về công trình này (2011). Tuy nhiên, cơ sở đào tạo đã không tổ chức những buổi lễ ra mắt hoành tráng mang tính quảng bá, tính tuyên truyền qua các phương tiện thông tin lớn. Nhưng trong thâm tâm, tôi rất bằng lòng, thậm chí rất tự hào là đã hoàn thành được một công trình rất đồ sộ, khó có thể hoàn hảo hơn. Tôi xin giữ nguyên trạng và tái bản. Nếu có thời gian và điều kiện nghiên cứu, chúng tôi sẽ nói thêm về sự giao lưu và hội nhập của bộ phận văn học miền Nam dưới chính thể Việt Nam Cộng hòa. Nhưng cái quy trình từ bắt chước đến sáng tạo, sáng tạo trên cơ sở bắt chước thì bộ phận văn học này cũng tương tự như văn học Việt Nam 1932 - 1945, dù đối tượng và mức độ nông sâu có khác nhau. Vấn đề này chúng tôi đã có dịp trình bày trong một chuyên luận khác đã xuất bản có tên là Toàn cảnh thơ Việt Nam 1945 - 1975 (2015).

Sau 10 năm, những số liệu, tư liệu được sử dụng trong công trình này có thể đã thay đổi ít nhiều, chẳng hạn về dân số, về năng suất lao động, về số lượng tác phẩm trong dịch thuật và giao lưu... nhưng những sự tăng giảm ấy về lượng không làm thay đổi những nét về chất trong bản sắc văn hóa của Việt Nam. Mặt khác, để đảm bảo tính lịch sử của vấn đề tại thời điểm nghiên cứu, chúng tôi xin phép không bổ sung hoặc thay thế các số liệu hay tài liệu mới, kể cả các danh vị như PGS (Phó Giáo sư), TS (Tiến sĩ)... dẫu biết rằng hiện tại, có nhiều vị đã trở thành GS (Giáo sư), TSKH (Tiến sĩ Khoa học)...

 Nhân dịp này, một lần nữa tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành đến Khoa Văn học, Phòng Đào tạo, Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội, cũng như các bạn bè đồng nghiệp đã giúp đỡ cho cuốn sách được "tái sinh".

Thư viện ĐHXDHN (trích lời tựa của Tác giả Nguyễn Bá Thành)

-----------------------------------------------------------------------------

Sách hiện có sẵn tại Phòng đọc mở (tầng 3 - Tòa nhà Thư viện - 55 Giải phóng, Phường Đồng Tâm, Quận Hai Bà Trưng, HN)

Quý bạn đọc có thể tra cứu trực tuyến tại https://thuvien.huce.edu.vn/

Email: thuvien@huce.edu.vn

 

Copyrights © Thư Viện Trường ĐH XÂY DỰNG HÀ NỘI